Sự hi sinh âm thầm
Trần Quốc Hoàn
"Em hãy về nhà đi, hãy dành cả ngày mai cho riêng mình, và ngày mốt đến gặp tôi".
Lại một lần nữa cô giáo chủ nhiệm nói với nó như vậy. Nó có lỗi ư? Chẳng biết
nữa. Có thể nào bảo vệ cho một người bạn, đòi cái quyền chính đáng cho một
người bạn cũng là có lỗi hay sao? Nó chẳng hiểu vì sao đã 2 lần cô giáo chủ nhiệm
nói câu này với nó.
Lần đầu tiên cô giáo nói với nó câu này cách đây hơn một tháng, khi nó đưa ra ý
kiến bảo vệ bạn của nó. Nó chẳng thể hiểu nổi cô giáo suy nghĩ ra sao nữa. Thôi
mặc kệ, đã nói thế thì cứ về nhà đã. Mặc dù không muốn nghỉ học đâu nhưng cô
giáo đã "cho phép" thì cũng chẳng nỡ "từ chối", nó cười khẩy rồi bước chân ra khỏi
lớp, đi thẳng xuống nhà xe, lấy xe đạp và đi thẳng ra khỏi cổng trường. Lần trước,
nó đã nướng cả ngày nghỉ vào viết thư, nó viết thư cho bạn nó, an ủi bạn nó. Nó
cảm thấy rằng dường như là các thầy cô giáo không làm tròn trách nhiệm của
mình, cẩu thả trong việc ra đề và quá ẩu trong việc chấm bài.
Cô giáo chủ nhiệm của nó dạy môn văn, và cũng dạy môn văn ở lớp của bạn nó.
Bạn của nó học lớp chyên Anh, là một người khá thông minh, khả năng viết văn rất
tốt và có óc quan sát rất tinh tế. Đã nhiều lần nó phải thán phục trước những câu
văn có thể nói là ngang tầm một nhà phê bình văn học tầm cỡ. Bạn nó cũng được
nhiều người đánh giá cao về khả năng viết văn và về cách dùng hình ảnh cũng như
ngôn từ. Một trong số những người đó là cụ Tố Hữu. Thế nhưng, chẳng hiểu sao,
chẳng hiểu thế nào mà các bài viết của bạn nó thường được cô giáo đánh giá
không cao, thường chỉ được điểm 7-8, trong khi đó, những bài văn tương tự của
nó lại được cô giáo cho điểm 9. Nó tự biết rằng những bài viết của nó thua xa của
bạn nó. Và nếu như những bài của bạn nó chỉ được điểm 7-8, thì bài của nó chỉ
xứng đáng nhận điểm 4-5. Nó cảm thấy có một sự bất công trong việc chấm điểm.
Vì vậy, nó đã thẳng thắn đề nghị cô giáo đưa ra những tiêu chí chấm bài một cách
công khai. Nó cứ thế nói một hồi ít cũng đến hơn 10 phút. Và khi lớp trưởng đứng
lên kéo nó lại, nó đã nói một câu như sau : "Trên đời này, chẳng có gì xấu xa hơn
sự bất công. Và chính sự bất công kiến cho xã hội xấu xa".
"Em hãy về nhà đi, hãy dành cả ngày mai cho riêng mình, và ngày mốt đến gặp tôi"
Cô giáo nói với nó câu này, đang trong cơn tức giận, nó chẳng thèm nói thêm lời
nào cả, cũng chẳng thèm mang cặp của nó về, đi thẳng ra khỏi cửa. Về đến nhà, nó
đã viết một bức thư dài 8 trang cho bạn nó, an ủi bạn nó. Trong bức thư đó tất
nhiên có phần trách móc cô giáo, bởi vì, nó ghét sự bất công, nó không thể chịu
nổi sự bất công, đặc biệt, sự bất công đó lại dành cho bạn nó. Nó không thể chịu
nổi. Nó đã viết, đã xé, xé rồi lại viết, và mất cả một ngày trời, nó mới viết xong
bức thư cho bạn nó. Đêm đã quá khuya, nó đi ngủ, một ngày "được nghỉ" trôi qua.
Cô giáo bảo ngày tới đến gặp cô, tức là sáng mai. Nó thầm tự nhủ, chẳng còn gì để
nói với cô nữa, mặc kệ.
Sáng hôm sau, nó đến lớp rồi bỏ luôn vào phòng máy vi tính của trường ngồi,
chẳng thèm vào lớp. Nó biết là hôm ấy, cô giáo chủ nhiệm đợi nó trong phòng
hiệu trưởng, nhưng nó mặc kệ, nó chẳng còn muốn nói chuyện với cô giáo nữa.
Nó ghét sự bất công.
Một tháng trôi qua, nó thấy rằng những bài văn của bạn nó ngày càng tiến bộ. Có
những bài viết rất xuất sắc thể hiện tài năng của một nhà phê bình văn học thực thụ.
Nhưng cảm nhận rất tinh tế, câu văn, hình ảnh có thể nói là quá "đỉnh. Nó tự nhủ,
chưa chắc nó có thể viết được như vậy. Nhưng điểm cao nhất nó thấy cũng chỉ là
8. Trong khi đó 4 bài văn của nó trong tháng thì có đến 3 điểm 9 và 1 điểm 8.
Trong khi đó bạn nó chỉ có 2 điểm 8 và 2 điểm 7.
Một lần nữa, trong giờ sinh hoạt thứ 2 đầu tuần, nó đã viết một lá đơn khiếu nại
dài 5 trang, nó muốn xin chữ ký của các bạn đề thể cùng nó đòi lại công bằng cho
bạn nó, nhưng chẳng ai dám ký. Mặc kệ, một mình nó cũng chẳng sao, nó chẳng sợ
gì cả, chỉ sợ sự bất công mà thôi. Và thế là, một lần nữa nó lại đề cập đến vấn đề
này với cô giáo. Và lại một lần nữa, nhưng lần này nó chủ động hơn khi nghe câu
nói "Em hãy về nhà đi, hãy dành cả ngày mai cho riêng mình, và ngày mốt đến gặp
tôi”. Nó chỉ chờ có thế, nó về nhà luôn. Lần này cũng có 1 "ngày nghỉ" như lần
trước, nó sẽ làm gì đây? Mặc kệ, cứ ra khỏi trường đã, không khí ở đây ngột ngạt
quá! Nó đạp xe ra đường thanh niên.
Gió hồ thật mát, lạnh cả người, làm nó cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng nghĩ đến bạn
nó, nó thấy thương bạn nó quá! Càng thương bạn nó bao nhiêu thì lại càng thấy bất
bình trước cô giáo chủ nhiệm bấy nhiêu. Nó ghét! Ghét lắm!
Ngày hôm sau, đáng lẽ nó “được nghỉ”, nhưng nó cứ đến trường. Sắp đến kỳ thi
học sinh giỏi thành phố, và tiếp nữa là thi học sinh giỏi quốc gia. Nó thầm nghĩ,
nếu như bạn nó đi thi, chắc chắn sẽ có thể đạt giải cao. Nhưng cứ đà này, chưa
chắc đã vào được đội tuyển của trường chứ chưa nói là đòi có giải. Nó cảm thấy
cần phải làm một điều gì đó cho bạn nó. Và vì nó không muốn nói chuyện với cô,
nên nó đã trực tiếp nói chuyện với thầy hiệu trưởng. Và tất nhiên, nhà trường sẽ
lập ra một hội đồng kỷ luật để xem xét lại vấn đề. Nó tất nhiên cũng tham được
tham gia với tư cách là người "bảo vệ công lý". Sau khi nghe nó trình bày, mọi
người được xem những bài viết của nó và cả của bạn nó. Vì là buổi họp kín nên
mọi người không ai biết, kể cả bạn nó. Trong buổi họp đấy, cô giáo chủ nhiệm của
nó không đưa ra bất cứ một lời giải thích nào. Cô chỉ bảo là cô muốn nói chuyện
với nó.
Nó cảm thấy bất bình trước hội đồng kỷ luật của nhà trường. Cũng dễ hiểu thôi,
các thầy cô giáo thì tất nhiên sẽ phải bảo vệ nhau rồi, nó nghĩ, có khi chuyện này
phải đưa lên bộ. Nhưng tự dưng nó cảm thấy chán quá. Cô muốn chiều nay nói
chuyện với nó, nhưng mặc kệ, nó chán lắm rồi, mặc kệ.
Ngày mai là ngày thi để chọn đội tuyển của trường dự thi học sinh giỏi thành phố.
Trong bảng danh sách những người được tham gia thi chọn đội tuyển, nó thấy tên
của nó và cả của bạn nó. Nó chắc rằng nếu nó thi thì nó sẽ qua thôi, bời người phụ
trách bộ môn văn của trường chính là cô giáo chủ nhiệm của nó. Nó hơi lo cho
bạn nó.
Ngày hôm đó, buổi sáng thi chọn đội tuyển môn tin, nó chỉ tham dự cho có mặt
bởi vì đề thi so với nó thì quá dễ dàng, và điểm 20/20 là điều chắc chắn. bài làm
trong 2 tiếng, nhưng chỉ 30 phút là nó đã làm xong, nó qua nhà bạn nó, động viên
bạn nó. Buổi chiều, nó cùng bạn nó đến trường, mặc dù có tên trong danh sách
tham gia thi chọn đội tuyển môn văn, nó vào phòng thi, nhưng chẳng thèm làm gì,
trong phòng thi, nó chỉ nhìn bạn nó, bởi nó cảm thấy lo lắng, lo lắng. Cô giáo chủ
nhiệm biết tin, đến tận phòng thi, bảo nó làm bài, nó vẫn cứ ngồi lặng yên như thế.
Giờ thi là 150 phút, sau khi nó thấy bạn nó đã tự tin, đang cắm cúi viết, nó cầm bút
viết vào bài của nó, nhưng không phải là làm bài thi, mà là viết về bạn nó. Nó viết
say xưa đến khi cô giáo nói hết giờ, nó ngẩng đầu lên, thấy bạn nó đứng cạnh nó,
mắt rưng rưng. Bạn nó đã làm xong bài cách đây 5 phút, và qua xem nó làm bài thế
nào, bạn nó đã rất cảm động, nó biết, và nó thấy thương bạn nó vô cùng. Cô giám
thị đi qua, thu bài của nó, mặc kệ, nó cũng chẳng buồn đòi lại bài ấy nữa, nó mỉm
cười nắm tay bạn nó, và 2 đứa đạp xe ra đường thanh niên hóng gió. Nó biết là cô
chủ nhiệm sẽ giận nó, nhưng mặc kệ, nó chẳng cần.
Hai tuần sau công bố kết quả thi chọn đội tuyển. Nó chẳng muốn đi xem. Bởi vì
điểm môn tin thì nó cũng thừa biết rồi. Điểm môn văn thì nó chẳng muốn xem, nó
nghĩ đến sự bất công, nó sợ, nó sợ. Nó chẳng muốn.
Nhưng dẫu nó không đi xem thì các bạn của nó cũng kể cho nó. Điểm thi môn tin
của nó là 20/20. Điểm văn của nó tất nhiên là 0 điểm. Còn bạn của nó, lần đầu
tiên nó thấy bất ngờ, bất ngờ không phải về khả năng viết của bạn nó mà là về
điểm : 18/20. Nó cảm thấy một chút gì bỡ ngỡ, nó đã lo lắng cho bạn nó, nhưng
bây giờ cảm giác trong người nó thật khó diễn tả. Nó chẳng hiểu cô giáo của nó
nữa, chẳng hiểu. Nhưng có một điều chắc chắn là : Nó vẫn ghét cô, có khi còn
ghét hơn trước, bởi sự bất công vẫn là sự bất công, càng giả vờ làm ra vẻ thì càng
khiến người ta ghét". Nhưng mặc kệ, nó lại đến gặp bạn nó, và 2 đứa lại đi dạo
khắp phố phường Hà Nội. Nó muốn làm cho bạn nó vui, và nó đã thành công. Suốt
buổi hôm ấy, bạn nó luôn cười. Bạn nó cười thật là duyên, thật là duyên. Nó cảm
thấy vui, và nó cũng cười.
Vòng thi thành phố quả thực quá dễ dàng cho nó. Và bạn nó cũng vậy. Điểm của nó
là 19.5/20. Còn bạn nó là 18.5/20. Điều này đã được nó đoán trước, bởi nó thừa
biết khả năng của bạn nó. Vòng II cũng thật quá dễ dàng cho cả 2 đứa. Và lần đầu
tiên, 2 đứa đều = điểm nhau: Nó 19/20. Và bạn nó cũng vậy. Mặc dù không được
đọc 2 bài thi của bạn nó, nhưng nó cũng cảm nhận được rằng, bạn nó càng ngày
càng trưởng thành trong việc viết văn. Và những kết quả kia đã nói lên điều đó.
Trước mắt là vòng thi quốc gia. Nhà trường tổ chức một buổi liên hoan, tất nhiên,
nó và bạn nó được mời đến dự. Và cả các giáo viên phụ trách các đội tuyển nữa,
trong đó có cô giáo nó. Lúc xếp chỗ ngồi, chẳng biết vô tình hay cố ý mà nó được
xếp ngồi cạnh cô giáo chủ nhiệm nó. Trong suốt buổi liên hoan đó, nó và cô giáo
chủ nhiệm nó chẳng nói chuyện với nhau. Mấy lần cô giáo mở lời trước, nhưng nó
làm bộ như không nghe thấy.
Khi buổi liên hoan kết thúc, cô giáo nói với nó rằng cô muốn nói chuyện với nó,
và cô sẽ đợi nó ở phòng giám hiệu. Lúc đó là 4h30. Nó và bạn nó đi bộ ra hồ tây,
2 đứa cười nói rất vui vẻ. Đến 6h30, nó quay lại trường thì vẫn thấy cái xe đạp của
cô giáo nó ở đó. Nó lấy xe cho bạn nó, mỉm cười vuốt mái tóc dài óng mượt của
bạn nó, và bảo bạn nó về trước, nó có chút việc. Bạn nó muốn đợi nó cùng về,
nhưng nó không cho. Đợi đến khi bạn nó đã đi khuất, nó quay trở vào trường, vào
phòng giám hiệu gặp cô giáo chủ nhiệm của nó.
Cô giáo vẫn ngôi ở đó đợi nó, trên bàn có 2 cốc nước trà đã nguội. Nó đến ngồi
đối diện với cô, chẳng nói câu nào. Cô giáo cũng chẳng nói câu nào, chỉ lấy ra một
cái phong bì, đưa cho nó và ra khỏi phòng giám hiệu. Nó ngồi đó vài phút, rồi
cũng chẳng thèm mở cái phong bì, cứ thế cho nó vào cặp rồi đi ra khỏi cửa. Hôm
sau nó đến trường, nó muốn gặp các bạn của nó trước khi đi thi vòng thi quốc gia.
Ba ngày nữa là thi quốc gia rồi. Tất nhiên nó không phải đến trường nhưng nó
thích đến, bởi nó muốn gặp các bạn của nó. Hôm ấy, nó vào lớp, ngồi một lát thì
lớp trưởng lên, báo với mọi người rằng cô giáo chủ nhiệm ốm nên hôm nay được
nghỉ. Cả lớp nhao nhao lên xung sướng kéo nhau đi bơi thuyền. Nhưng nó thì cảm
thấy có điều gì bất thường. Nó chợt nhơ tới cái phong bì mà cô giáo đưa cho nó
hôm qua. Các bạn nó kéo nó đi nhưng nó bảo mệt, lát nữa nó sẽ ra. Nó bảo các
bạn nó cứ ra đấy bơi thuyền trước đi. Các bạn của nó đã đi hết rồi, nó lấy cái
phong bì đó ra, 1 lá thư, viết cho nó, thư của cô giáo chủ nhiệm của nó, kèm theo
đó là một tờ giấy cũ kĩ ghi ngày 03-05-1976. Nó đọc tờ giấy cũ kỹ đó trước, mặc
dù giấy đã cũ, loại giấy của ngày xưa, màu mực tím đã hơi nhoà, nhưng chữ viết
rất đẹp, dù hơi mờ nhưng vẫn đọc được. Đây chính là những dòng nhật ký của cô.
Ngày 03-05-1976. Trong đó có đoạn viết : “Cô giáo yêu quý của em, em cảm
thấy thật có lỗi với cô vì đã phụ sự tin tưởng của cô. Em cảm thấy thật xấu hổ. Là
đứa học trò mà cô tin tưởng nhất, vậy mà kết quả thi của em đã chẳng ra gì. 7.5/20
điểm trong vòng thi quốc gia, quả thật em không xứng đáng làm học trò của cô.
Em biết rằng em đã làm cô buồn nhiều lắm. Chẳng hiểu sao lúc ấy em lại viết như
vậy. Em thật sự rất xúc động khi đọc lá thư xin lỗi của cô gửi cho em, rằng cô đã
sai lầm khi để cho em quá tự cao với chiến thắng, và đấy chính là lý do khiến
những câu văn của em trở nên bay bổng quá, bay bổng đến mức vượt ra khỏi cái
khuôn khổ của một nhà bình luận. Những vấn đề trở nên quá bay bổng, chính vị
vậy, câu văn đã không sát với thực tế. Em biết răng lỗi này hoàn toàn do em,
không phải lỗi tại cô. Mong cô đừng tự trách mình…."
Nó dường như cảm nhận được một điều gì đó từ cái tờ giấy cũ kỹ kia. Và nó vội
vàng giở bức thư của cô giáo chủ nhiệm ra xem. Trong thư, cô giáo chỉ viết vẻn
vẹn có vài dòng. "Cô nhờ em đưa giúp cho bạn NN tờ giấy này, và hãy động viên
bạn. Cô đã không làm được cái điều mà cô giáo cô kỳ vọng, vì vậy, cô đã tự hứa
với lòng mình là sẽ dạy học trò của cô để có thể làm được điều này. Cô tin tưởng
vào sự chín chắn trong bài viết của em. Nhưng đối với bạn NN, cô cảm thấy có
điều gì đó giống cô ngày xưa: mặc dù câu văn, hình ảnh và những nhận xét của NN
hết sưc tinh tế, nhưng NN khá mơ mông, và cô không muốn NN giống như cô
ngày xưa…."
Đến bây giờ thì nó đã hiểu. Quả thực là nó chưa bao giờ trải qua những thất bại
cay đắng như cô nên đã không hiểu được tấm lòng cao cả của cô. Đúng là cô nhận
xét về bạn nó rất đúng, rất chính xác và rất tinh tế. NN là một người khá mơ mộng.
Quả thực, nó không biết nếu như NN luôn được cho điểm cao thì sẽ thế nào đây?
Sẽ không còn mục tiêu cho cô ấy cố gắng để hoàn thiện mình, và có thể sẽ không
có cái ngày hôm nay. Nó thầm cảm ơn cô giáo về tất cả những gì cô giáo đã làm
cho bạn nó! Cảm ơn cô về sự quan tâm đặc biệt này. Đúng là "thương cho roi cho
vọt". Quả thực, cô đúng là một cô giáo lý tưởng, xứng đáng là giáo viên xuất sắc
nhất của trường, người phụ trách đội tuyển văn. Và nó tin tưởng mãnh liệt rằng bạn
nó sẽ đem lại vinh quang về cho trường, như là một lời cảm ơn đối với tấm lòng
cao cả của cô. Bạn nó sau khi đọc được những lời trên cũng đã khóc giống như nó.
Hai đưa cứ nhìn nhau, nhìn cái tờ giấy cũ kỹ đó. Quả thực, những suy nghĩ không
tốt của nó về cô trước đây đã bị xua tan hết. Sự bất công, nó lại cảm thấy sự bất
công, nhưng lần này không phải là chuyện điểm số, mà chính là những suy nghĩ
của nó, thật nhỏ nhen, ích kỷ, thật quá bất công.
Trước hôm thi một ngày, nó bị lên cơn sốt. Nhưng không muốn bạn nó lo lắng nên
đã dặn mọi người trong nhà là nếu bạn nó gọi điện đến thì bảo là nó đi chơi chưa
về. Đêm hôm đó nó chẳng thể nào ngủ được, luôn nghĩ về cô và về bạn nó. Mẹ nó
đã đánh gió cho nó và bắt nó uống nước gừng để hạ sốt. Chẳng biết ngày
mai nó có đi thi được không.
Sáng sớm, 5h sáng nó đã dậy, cũng đỡ sốt nhiều rồi. Nó gọi điện cho bạn nó và 30
phút sau, nó qua nhà bạn nó, 2 đứa đi ăn phở với nhau, rồi cùng đến địa điểm thi.
Trong phòng thi, nó đã quyết tâm sẽ làm hết sức để không phụ sự kỳ vọng của các
các thầy cô. Và nó biết bạn nó cũng vậy. Và nó đã làm bài thi một cách tập trung,
nhưng thật trớ trêu, nó lại lên cơn sốt và phải vào phòng y tế nghỉ 30 phút. Sau khi
uống thuốc, được sự chăm sóc của các y tá, nó lại xin phép được tiếp tục thi. Còn
25 phút, và nó sẽ cố gắng làm hết sức mình, bởi nó biết nó làm bài không phải cho
riêng nó.
Ba tuần sau đó có kết quả. Bạn nó đạt giải nhất toàn quốc môn văn với số điểm
19.5/20. Còn nó chỉ có 17.5/20 và chỉ đạt giải ba. Khi nghe được tin này, cô giáo
nó đã khóc, cả nó và bạn nó cũng vậy.
Các bạn ạ, tấm lòng của thầy cô giáo thật quá lớn lao, có thể đó là những sự quan
tâm ra mặt, nhưng cũng có thể đó là những sự quan tâm, những sự hy sinh âm
thầm. Đừng bao giờ có những ý nghĩ không tốt đối với những thầy cô của bạn, bởi
tôi tin chắc một điều là bạn sẽ cảm thấy rất ân hận khi hiểu được điều đó. Chẳng
thầy cô nào ghét học sinh của mình cả, cũng giống như cha mẹ, chẳng có cha mẹ
nào ghét con cái. Hãy ghi nhớ điều này và sống sao cho thật xứng đáng với công
ơn dưỡng dục của cha mẹ, thầy cô.
Hanoi, 17 Nov., 2002
[ Back ]